VI NHỰA LÀM TĂNG KHẢ NĂNG KHÁNG KHÁNG SINH CỦA E. COLI VÀ HỖ TRỢ HÌNH THÀNH MÀNG SINH HỌC

     Vi nhựa có thể góp phần làm tăng khả năng kháng và đa kháng kháng sinh (AMR) từ Escherichia coli có mặt trong thực phẩm, thông tin được đưa ra từ một nghiên cứu gần đây của các nhà khoa học thuộc Đại học Boston (BU). Kết quả nghiên cứu đã được công bố trên tạp chí Vi sinh học ứng dụng và môi trường.
     
Bên cạnh những tác động đến sức khỏe cộng đồng từ việc ăn thực phẩm và uống nước bị nhiễm nhựa, ngày càng có nhiều tài liệu cho thấy vi nhựa có thể chứa các màng sinh học, chất gây ô nhiễm và gen kháng kháng sinh. Sự hiện diện phổ biến của vi nhựa trong môi trường đang trở thành một vấn đề ngày càng được quan tâm, với các nghiên cứu cho thấy sự hiện diện của nó trong nhiều loại thực phẩm khác nhau. Thậm chí đã tìm thấy vi nhựa trong cơ thể người.
     Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) công nhận kháng kháng sinh là một trong mười thách thức sức khỏe hàng đầu mà nhân loại phải đối mặt trong thế kỷ 21. Theo WHO, ước tính có 4,95 triệu ca tử vong do nhiễm trùng kháng kháng sinh mỗi năm, trên toàn cầu.
     Trong nghiên cứu này, các nhà khoa học đã cho E. coli tiếp xúc với các nồng độ khác nhau với nhiều loại vi nhựa khác nhau, bao gồm polyethylene, polystyrene và polypropylene, với kích thước từ 3–500 μm. Đáng chú ý, các nhà nghiên cứu phát hiện ra rằng, với sự hiện diện của vi nhựa, E. coli đã tăng khả năng kháng tất cả các loại kháng sinh được thử nghiệm - Ampicillin, Ciprofloxacin, Doxycycline và Streptomycin - khi so sánh với môi trường không chứa vi nhựa.
     Các nhà nghiên cứu cũng kiểm tra ảnh hưởng của các đặc tính vi nhựa đối với tính kháng kháng sinh và không tìm thấy sự khác biệt đáng kể nào về khả năng kháng dựa trên kích thước hoặc nồng độ của các hạt nhựa. Tuy nhiên, thành phần nhựa được phát hiện là có ảnh hưởng đến tính kháng, với khả năng kháng tăng lên khi có sự hiện diện của polystyrene. Ngoài ra, khi so sánh với các hạt thủy tinh ở cùng nồng độ và kích thước, vi nhựa polystyrene cũng được coi là tạo điều kiện cho sự phát triển tính kháng và tạo màng sinh học ở mức độ cao hơn, điều này cho thấy nhựa có thể là chất nền duy nhất để vi khuẩn phát triển và duy trì khả năng kháng thuốc.
     Một nhà nghiên cứu khác, Bà Gross cho rằng "Nhựa có khả năng thích nghi cao", giải thích cho nhận định này, Bà cho rằng mặc dù thành phần phân tử của vi nhựa có thể giúp vi khuẩn phát triển, nhưng cơ chế chính xác vẫn chưa được hiểu rõ. Một lý thuyết cho rằng, bản chất kỵ nước của vi nhựa cho phép vi khuẩn bám dính dễ dàng hơn, khi nhựa bắt đầu hấp thụ độ ẩm theo thời gian, nó có thể cho phép vi nhựa hấp thụ kháng sinh trước khi đến vi khuẩn mục tiêu.

Nguồn tham khảo:
https://www.food-safety.com/articles/10231-microplastics-increase-antibiotic-resistance-of-e-coli-aid-biofilm-formation-study-shows?utm_medium=emailsend&utm_source=NL-FS-Food+Safety+eDigest&utm_content=BNPCD250325022_01&oly_enc_id=8852A2860512A7S