TỔNG HỢP 10 NỘI DUNG CẬP NHẬT BỔ SUNG CỦA ISO 7218:2024

1. Các biện pháp phòng ngừa lây nhiễm chéo
Hướng dẫn chi tiết, yêu cầu nghiêm ngặt hơn để giảm thiểu rủi ro cho PTN.
1.1 Chuẩn bị mẫu
+ Khuyến khích tách biệt phần chuẩn bị mẫu dựa trên bản chất và khả năng nhiễm bẩn của mẫu (4.4.2).
+ Có thể được thực hiện theo thời gian (lần lượt) hoặc không gian (khu vực riêng và thiết bị cho từng loại sản phẩm) (4.5.1). Ví dụ:
Tách các mẫu dạng bột với những mẫu được biết là có mức độ tạp nhiễm cao (4.4.2).
Tách các sản phẩm thực phẩm "vô trùng" khỏi các mẫu khác (4.4.2).
Dùng các thiết bị/dụng cụ chuyên dụng riêng biệt để phân tích các mẫu khác nhau (pipet, xe đẩy,..) (6.1).
1.2 Vệ sinh cá nhân
Để hạn chế lây nhiễm chéo trong PTN, các biện pháp phòng ngừa mới liên quan đến vệ sinh cá nhận đã được bổ sung. Ví dụ:
§ Áo choàng PTN dài tay có "cổ tay áo đàn hồi" (5.4).
§ Sử dụng giày chuyên dụng cho các khu vực có mức độ nhiễm cao (5.4).
§ Để điện thoại, tai nghe nhét tai và đồ trang sức bên ngoài PTN (5.4).
2. Kiểm soát chất lượng nội bộ (IQC)
2.1 Quy trình kiểm soát
Các biện pháp kiểm soát khác nhau được liệt kê và mô tả rõ ràng (mẫu trắng, chứng dương, chứng âm,…) (16.2.2).
2.2 Lựa chọn chủng QC
- Đây là nội dung mới, cung cấp thông tin về việc lựa chọn các chủng dựa trên bản chất của các mẫu phân tích (14).
- Mục 16.2.2.3 nêu chi tiết các chủng được sử dụng làm chứng dương, phải "tương đương với các VSV mục tiêu" nhưng "dễ nhận biết" khi có lây nhiễm chéo.
- Khuyến nghị sử dụng các VSV hiếm, biến đổi gen (phát huỳnh quang).
2.3 Mức độ gây nhiễm
Đối với các thử nghiệm định tính, chứng dương được gây nhiễm ở mức rất thấp, từ 3 đến 10 CFU (16.2.2.3).
2.4 Kế hoạch kiểm soát
Kế hoạch IQC phải tỷ lệ thuận với số lượng mẫu được phân tích (16.2.1). Nghĩa là PTN nên quyết định mức độ rủi ro có thể chấp nhận được đối với sự không phù hợp dựa trên phân tích rủi ro, thường chuyển thành số lượng thử nghiệm được lặp lại.
3. Nhiệt độ vận chuyển và cấp đông mẫu
3.1 Nhiệt độ vận chuyển mẫu
Nhiệt độ vận chuyển cho các mẫu “ổn định” và “không ổn định” được sửa đổi (9.2):
- Sản phẩm “ổn định”: Nên được vận chuyển ở nhiệt độ môi trường từ 18 đến 27°C, thay vì < 40°C.
- Sản phẩm “không ổn định”: Nên được vận chuyển ở nhiệt độ 5 ± 3°C, thay vì 1 đến 8°C.
3.2 Cấp đông mẫu
Không được cấp đông các mẫu không phải là sản phẩm đông lạnh, để tránh làm thay đổi/biến động mật độ vi sinh vật (9.3).
4. Pha loãng và dung dịch huyền phù ban đầu
4.1 Pha loãng liên tiếp
Sử dụng thể tích của dung dịch huyền phù ban đầu khác nhau (1mL và 0,1mL) cũng được xem là "pha loãng liên tiếp" (11.2.1).
4.2 Thể tích cấy hơn 1mL
Khi dự kiến số lượng VSV thấp (< 10 CFU/mL), thể tích cấy có thể được tăng lên (ví dụ: hơn 1 mL). Tuy nhiên, điều quan trọng là phải duy trì cùng tỷ lệ giữa thể tích cấy và lượng môi trường nuôi cấy (11.2.2).
4.3 Quy định thời gian thử nghiệm
Quá trình chuẩn bị dung dịch huyền phù ban đầu đến cấy mẫu là ít hơn 20 phút và không quá 45 phút trừ khi có quy định khác (10.2.1).
5. Loại bỏ việc dùng N' để tính toán cho trường hợp không chỉ có một đĩa có thể đếm được
6. Lượng mẫu và nhiệt độ ủ mẫu thử nghiệm lớn
Việc lấy lượng mẫu thử lớn hơn 25g (ví dụ: 375g) hiện được đề cập (12.1).
Lượng dung dịch tăng sinh có thể tích lớn (1:10) nên cần nhiều thời gian để nhiệt độ đạt theo quy định. Do vậy, phải đảm bảo thời gian cần thiết để đạt được nhiệt độ mục tiêu, phù hợp với thời gian ủ được nêu trong tiêu chuẩn cụ thể.
Khuyến cáo sử dụng tủ ấm riêng để làm ấm trước các dịch tăng sinh, hạn chế thời gian “phục hồi” các vi sinh vật tổn thương không ảnh hưởng đến bất kỳ kết quả thử nghiệm (6.3.2.4).
7. Kiểm soát chất lượng môi trường nuôi cấy pha sẵn (RTU-Ready to Use)
Thử nghiệm hiệu năng của môi trường nuôi cấy có thể giảm khi sử dụng môi trường pha sẵn (RTU), theo ISO 11133. Tuy nhiên, cần phải kiểm tra xác nhận các điều kiện vận chuyển và bảo quản đã được duy trì đúng cách (8).
8. Xác nhận và định danh – Sử dụng kỹ thuật hiện đại
Mục 13.1 cho phép sử dụng các kỹ thuật xác nhận và định danh mới, chẳng hạn như khối phổ (MALDI-TOF) hoặc giải trình tự (NGS)...
Trừ khi có quy định khác, các kỹ thuật này có thể được sử dụng để thay cho các thử nghiệm huyết thanh và sinh hóa được quy định trong phương pháp tiêu chuẩn.
9. Báo cáo kết quả - Công bố năm ban hành tiêu chuẩn
Năm công bố tiêu chuẩn đang sử dụng nên được đề cập trong báo cáo (15).
10. Nghiên cứu độ lệch
Phiên bản mới ISO 7218:2024, yêu cầu tất cả các kết quả không phù hợp phải được ghi nhận lại và phải thực hiện hành động khắc phục.
Ví dụ: Cần phải tìm hiểu bất kỳ sai lệch nào so với kết quả mong đợi hoặc các kết quả không đạt yêu cầu và xem xét đến bằng chứng về kết quả đào tạo của nhân viên (5.3).
Các thử nghiệm ngoài tầm kiểm soát cần được phân tích nguyên nhân gốc rễ và thực hiện các hành động khắc phục phù hợp (16.2.1).
Khi đánh giá kết quả TNTT/SSLP, điều quan trọng không chỉ xem xét kết quả của PTN mình mà cần phải xem xét nhiều xu hướng để đánh giá và khắc phục mọi sai lệch tiềm ẩn (16.3).
Tham khảo:
https://sites.google.com/view/tstruonghuynhanhvu/vi%E1%BA%BFtwriting/khoa-h%E1%BB%8Dc-science?authuser=0