Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã công bố danh mục 12 loại vi khuẩn gây bệnh để ưu tiên phát triển các kháng sinh mới trong tương lai. WHO chia danh sách này làm 3 cấp độ dựa vào nhu cầu ưu tiên sử dụng kháng sinh mới: cấp thiết, cao và trung bình. Nhóm quan trọng nhất (cấp thiết) bao gồm những vi khuẩn đa kháng trong các bệnh viện và những bệnh nhân được chăm sóc đặc biệt như thở máy hay đặt catheter mạch máu. Chúng bao gồm Acinetobacter, Pseudomonas và các chi/loài thuộc Enterobacteriaceae khác nhau (Klebsiella, E. coli, Serratia và Proteus). Chúng có thể gây ra tình trạng nhiễm trùng nặng, thường dẫn đến tử vong như nhiễm khuẩn huyết và viêm phổi. Những vi khuẩn này trở nên kháng với đa số kháng sinh như carbapenems và cephalosporins thế hệ III, là những loại kháng sinh tốt nhất hiện nay để điều trị tình trạng đa kháng.
Nhóm thứ hai và thứ ba trong danh sách ứng với mức độ ưu tiên cao và trung bình – gồm những vi khuẩn gia tăng kháng kháng sinh mà gây ra các bệnh thông thường như lậu và ngộ độc thực phẩm do Salmonella.

1. Acinetobacter baumannii - kháng carbapenem
2. Pseudomonas aeruginosa - kháng carbapenem
3. Enterobacteriaceae - kháng carbapenem, tiết ESBL

4. Enterococcus faecium - kháng vancomycin
5. Staphylococcus aureas - kháng methicillin, nhạy cảm trung bình với vancomycin và kháng vancomycin
6. Helicobacter pylori - kháng clarithromycin
7. Campylobacter spp. - kháng fluoroquinolon
8. Salmonella spp. - kháng fluoroquinolon
9. Neisseria gonorrhoeae - kháng cephalosporin, fluoroquinolon

10. Streptococcus pneumoniae - không nhạy với penicillin
11. Haemophilus influenzae - kháng ampicillin
12. Shigella spp. - kháng fluoroquinolon
Các chiến lược R&D trong tương lai cần tập trung vào việc phát triển các kháng sinh mới đặc hiệu với các vi khuẩn Gram âm kháng hoặc đa kháng. Các chuyên gia đã nhấn mạnh tầm quan trọng của kháng sinh mới đối với trẻ em và các bệnh do Neisseria gonorrhoeae, Salmonella typhi và Enterobacteriaeceae sinh ESBL gây ra gánh nặng bệnh tật cao trong cộng đồng.
Có nhiều công trình nghiên cứu và phát triển kháng sinh mới là quan trọng, song điều đó vẫn chưa thể giải quyết vấn đề kháng kháng sinh. Vì vậy, cần phải chủ động phòng ngừa tốt hơn các nhiễm trùng, sử dụng hợp lý kháng sinh ở người và động vật, cũng như các kháng sinh mới phát triển trong tương lai.
Nguồn tham khảo:
https://sites.google.com/view/tstruonghuynhanhvu/vi%E1%BA%BFtwriting/khoa-h%E1%BB%8Dc-science?authuser=0
Nguồn tham khảo:
https://sites.google.com/view/tstruonghuynhanhvu/vi%E1%BA%BFtwriting/khoa-h%E1%BB%8Dc-science?authuser=0